BỘ LỌC TÌM KIẾM Click xem bộ lọc
Theo danh mục

PCV2 VÀ NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH SAU TIÊM PHÒNG VẮC XIN

Ngày đăng: 05/02/2025

Bệnh do virus PCV2 (Porcine Circovirus Type 2) là một trong những mối nguy hiểm lớn đối với lợn, gây suy giảm sức khỏe và năng suất chăn nuôi. Tiêm vắc xin phòng ngừa PCV2 là phương pháp quan trọng trong việc bảo vệ vật nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả của vắc xin không chỉ phụ thuộc vào chất lượng vắc xin mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong bài viết này, Fivevet sẽ cung cấp thông tin về các yếu tố ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng vắc xin.
1. Sự đa dạng về kiểu gene của PCV2
PCV2 có tốc độ biến đổi cao bởi khả năng tái tổ hợp và có nhiều biến thể theo thời gian. Hiện nay, PCV2 có 8 kiểu gene PCV2a, PCV2b, PCV2d, PCV2c, PCV2e, PCV2g, PCV2h. PCV2a phân bố phổ biến từ năm 1996 đến đầu năm 2000. Sau khi có vắc xin thương mại từ năm 2006, kiểu gen 2b dần chiếm ưu thế. Sau đó một dạng di truyền từ 2b là 2d xuất hiện từ năm 2012-2016 và dần chiếm ưu thế trên toàn cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, 03 kiểu gen phân bố rộng khắp trên toàn giới là PCV2a, PCV2b và PCV2d.
Trong thực tế, đàn lợn đã được tiêm phòng thường phát hiện các kiểu gene PCV2 khác nhau do tính lưu hành phổ biến, cộng với sự xuất hiện của các dòng tái tổ hợp PCV2. Các nghiên cứu về độ độc lực PCV2 cho thấy, PCV2 2d có độc lực cao nhất khi công cường độc đồng thời với Mycoplasma hypneumoniae
2. Đáp ứng miễn dịch chống PCV2
     Một khả năng lẩn tránh miễn dịch của PCV2 đó là chiến thuật Chậm và Thấp. PCV2 nhân lên liên tục nhưng ở mức thấp, không tổn hại các mô. Bằng cách này, chúng có thể lẩn tránh để không vô tình kích hoạt hệ thống miễn dịch của vật chủ. Điều này có thể giải thích tính độc lực thấp PCV2 và sự cần thiết phải có yếu tố đồng nhiễm để gây bệnh lâm sàng.
Các nghiên cứu gần đây về miễn dịch chống PCV2 cho rằng, miễn dịch qua trung gian tế bào cùng với đáp ứng kháng thể trung hòa có vai trò chủ chốt giúp loại trừ vi rút và chống lại PCV2 gây nhiễm. Sau khi nhiễm PCV2, kháng thể được tạo ra đầu tiên là kháng thể IgM. Kháng thể trung hòa có thể xuất hiện 10 ngày sau nhiễm PCV2. Tuy nhiên, PCV2 có thể tồn tại dai dẳng trong mô máu ngay cả khi lợn có kháng thể tổng số ở mức cao và không phân biệt có hay không có kháng thể trung hòa. 
     Kháng thể dịch thể không hoàn toàn bảo vệ lợn chống lại PCV2 miễn dịch qua trung gian tế bào, đặc biệt là số lượng tế bào tiết IFN-ɤ. Các CD4+ đồng sản sinh IFN- α, IFN-ɤ có vai trò chủ chốt trong việc loại trừ PCV2. Các quần thể tế bào này tạo ra trên tất cả lợn tiêm phòng và lợn nhiễm PCV2, trong khi kháng thể đặc hiệu chỉ có ở 45% lợn.
Kháng thể thụ động bao gồm cả kháng thể trung hòa và kháng thể không trung hòa, được truyền qua sữa non để bảo vệ lợn con. Lợn con được sinh ra từ nái được tiêm vắc xin PCV2 có hiệu giá kháng thể thụ động cao hơn so với lợn con được sinh ra từ nái không được tiêm phòng. Lợn con sinh ra từ lợn mẹ được tiêm phòng miễn dịch trung gian tế bào truyền qua sữa non là các dòng tế bào Lympho tăng tiết IFN-ɤ, giúp lợn con bảo hộ với PCV2. 
     Ức chế miễn dịch do PCV2:  PCV2 có khả năng gây ức chế miễn dịch thông qua việc PCV2 kích sản sinh cytokine IL-10 tăng cao, để ngăn chặn các phản ứng của tế bào T kháng vi rút, ức chế chức năng các tế bào sản xuất IFN tự nhiên. Việc ức chế chức năng cơ bản của các cơ chế miễn dịch bẩm sinh là một trong những lý do làm tăng nguy cơ bội nhiễm PCV2 và mắc các bệnh ghép ở lợn còi cọc. 
3. Những yếu tố ảnh hưởng đến miễn dịch sau khi tiêm phòng vắc xin PCV2
- Miễn dịch thụ động và thời điểm tiêm phòng cho lợn con: Mối tương quan kháng thể thụ động và đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng cho thấy, khi tiêm phòng cho lợn con có hiệu giá IPMA trên 10log2 và kháng thể trung hòa trên 8.8log2 có khả năng ức chế kháng thể sau tiêm phòng, thể hiện không có sự gia tăng kháng thể hoặc âm tính khi lợn con được tiêm phòng. Ngược lại nếu kháng thể IPMA dưới 8log2 và kháng thể trung hòa dưới 5.5log2 không bị ảnh hưởng. Như vậy, thực tế khuyến cáo tiêm phòng cho lợn lúc 3 tuần tuổi trở lên. Việc tiêm phòng cho lợn con lúc 3 tuần với hiệu giá kháng thể thụ động cao, mặc dù có cản trở đáp ứng miễn dịch nhưng có cải thiện tăng trọng và làm giảm vi rút huyết, không hiệu quả khi tiêm lúc 1 tuần tuổi. 
Lợn con được sinh ra từ lợn nái chưa từng tiêm phòng vắc xin nên được tiêm phòng lúc 3-6 tuần là tốt nhất, 10 tuần là quá trễ. Một số nghiên cứu cho thấy tiêm phòng cho nái trước khi phối giống và lợn con lúc 6 tuần tuổi cho hiệu quả tốt nhất.
- Các yếu tố đồng nhiễm: PCV2 thường đồng nhiễm cao nhất với vi rút tai xanh, suyễn lợn và cúm lợn, trong đó đồng nhiễm với vi rút tai xanh lên đến 42-85,4%. Tình trạng vi rút tai xanh trong máu không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch dịch thể, nhưng lại ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch tế bào (ảnh hưởng đến các tế bào bài tiết IFN-ɤ khi tiêm phòng vắc xin PCV2). Khi tiêm vắc xin nhược độc tai xanh có thể làm tăng sự sinh bệnh của vi rút PCV2.
Lợn con đồng nhiễm Glasserella Parasuis hay Haemophilus Parasuis có thời gian vi rút huyết dài hơn, lượng vi rút trong tim, gan, lách, phổi, thận và các hạch bạch huyết nhiều hơn so với chỉ nhiễm PCV2.
- Kháng nguyên của vắc xin PCV2:  PCV2 có khả năng biến dị di truyền cao và có nhiều kiểu gene, nhưng chỉ có một kiểu đáp ứng huyết thanh và có sự bảo hộ chéo giữa các kiểu gene quan trọng (PCV2a, PCV2b và PCV2c) khi tiêm phòng vắc xin. Việc kết hợp 2 kiểu gene vắc xin PCV2a và PCV2b cung cấp khả năng bảo hộ tốt hơn so với vắc xin chỉ chứa 01 kiểu gene PCV2a hoặc PCV2b. 
Nghiên cứu cho thấy, vắc xin PCV2d tạo ra mức kháng thể trung hòa cao gấp 3-4 lần so với PCV2a khi đối mặt với các kiểu gen PCV2d và PCV2b, giảm tải lượng vi rút trong các mẫu máu và mô đến 85%, vượt trội so với PCV2a ở mức chỉ 60% (Ham et al, 2024).
Tuy vậy, vắc xin không ngăn ngừa hoàn toàn sự xâm nhiễm và nhân lên của vi rút PCV2, đặc biệt khi tiêm phòng không đúng thời điểm, miễn dịch thụ động, thời điểm nhiễm vi rút hay các yếu tố đồng nhiễm.
4. Đánh giá miễn dịch sau tiêm phòng vắc xin
4.1. Vi rút huyết PCV2
Hàm lượng vi rút PCV2 thường liên quan đến tính nghiêm trọng của bệnh tích gây ra do PCV2. Tiêm phòng giúp giảm lượng vi rút huyết PCV2 khi xuất hiện đồng thời cả kháng thể trung hòa và miễn dịch tế bào (các tế bào tiết IFN-ɤ).
Thực tế, qPCR thường dùng để giám sát và đánh giá việc nhiễm PCV2 trên đàn lợn, cũng như đánh giá gián tiếp hiệu quả của đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng. Đánh giá lượng vi rút PCV2 trong máu bằng qPCR được sử dụng rộng rãi và dễ dàng đánh giá trên đàn lợn sống. Một số nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phòng vắc xin làm giảm đáng kể lượng vi rút huyết so với không tiêm phòng vắc xin.
4.2. Đánh giá miễn dịch dịch thể
Hiện nay đánh giá kháng thể dịch thể dựa trên kháng thể trung hòa (Neutralisation antibodies), xét nghiệm miễn dịch có gắn enzyme trên tế bào một lớp (Immuno peroxidase monolayer assay-IPMA) và ELISA. 
Theo Fort và cộng sự 2009, hiệu giá kháng thể trung hòa trên 8log2 và IPMA trên 10.6log2 có thể giúp chống lại vi rút PCV2 khi công cường độc PCV2, ngược lại, nếu trung hòa thấp dưới 3.9log2 hay IPMA dưới 5.5 log2 thì lợn nhạy cảm với PCV2.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa kháng thể IPMA thuận với kháng thể trung hòa, được xem là đánh giá gián tiếp hàm lượng kháng thể trung hòa. 
4.3. Đánh giá miễn dịch qua trung gian tế bào
Kháng thể chống PCV2 không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi PCV2. Chức năng kháng thể trung hòa chống lại PCV2 phụ thuộc vào các đại thực bào, vì các đại thực bào có thể loại bỏ phức hợp kháng nguyên kháng thể. Nhiễm PCV2 làm suy yếu khả năng diệt vi rút của đại thực bào nên cản trở hoạt động của kháng thể trung hòa. Bên cạnh đó, PCV2 nhiễm chậm và dai dẳng trong tế bào vật chủ. Lúc này miễn dịch tế bào đóng vai trò quan trọng.
Trong miễn dịch tế bào, các tế bào tiết IFN-ɤ đóng vai trò chủ chốt. Lợn con sinh ra nhận kháng thể và các tế bào tiết IFN-ɤ từ lợn mẹ được tiêm phòng. Đáp ứng miễn dịch tế bào đạt đỉnh sớm 21 ngày sau tiêm phòng, trong khi đó miễn dịch dịch thể (kháng thể trung hòa) đạt đỉnh 42 ngày sau tiêm phòng. Thực nghiệm cũng chứng minh, tiêm phòng PCV2 tạo miễn dịch qua trung gian tế bào lâu dài và tạo miễn dịch nhớ đối với tế bào T và các tế bào tiết IFN-ɤ.
Xem thêm 
Chia sẻ :
Ý KIẾN PHẢN HỒI

BÀI VIẾT LIÊN QUAN