BỘ LỌC TÌM KIẾM Click xem bộ lọc
Theo danh mục

VAI TRÒ VÀ TÁC DỤNG CỦA CHẤT SÁT TRÙNG, KHỬ TRÙNG TRONG THÚ Y

Ngày đăng: 25/09/2024

Trong cuộc sống hay chăn nuôi việc đảm bảo vệ sinh nơi sinh hoạt, nhà ở, chuồng trại là điều vô cùng quan trọng. Trong chăn nuôi thú y, việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại, nơi chăn nuôi sạch sẽ giúp góp phần làm cho vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt và tránh các bệnh tật đối với gia cầm, gia súc và vật nuôi. Đặc biệt trong thời gian sau mùa bão lũ lại phát sinh nhiều loại bệnh lây nhiễm từ nhiều nguồn như: phân động vật, xác động vật chết thối rữa, ô nhiễm nguồn nước, rác thải chăn nuôi,… đe dọa gây bệnh đến gia súc, gia cầm, vật nuôi ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi.
Chính vì lẽ đó nên việc sử dụng các chất khử trùng, sát trùng để vệ sinh chuồng trại, khu chăn nuôi là vô cùng cần thiết. Dưới đây hãy cùng Fivevet tìm hiểu rõ hơn về vai trò, tác dụng của thuốc sát trùng – khử trùng trong thú y.
1. Định nghĩa thuốc sát trùng, khử trùng
Thuốc khử trùng (disinfectants) là các hợp chất có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hoặc các loại vi sinh vật gây nhiễm. Không giống như kháng sinh, các chất khử trùng tiêu diệt cả tế bào vi khuẩn lẫn vật chủ. Do đó, chúng thường chỉ được sử dụng để làm vệ sinh chuồng trại, phòng ốc, công cụ, và trang thiết bị.
Thuốc sát trùng (antiseptics) là các chất có khả năng ngăn chặn hoặc làm giảm sự phát triển của vi sinh vật, hoặc tiêu diệt vi khuẩn mà không gây hại đến mô sống của vật chủ khi sử dụng ở nồng độ thích hợp. Do vậy, chúng được dùng để điều trị trực tiếp lên các mô bị tổn thương nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng.
Chất tẩy rửa là những hợp chất có khả năng loại bỏ các chất bẩn như máu, dịch tiết, bùn đất hoặc vi sinh vật bằng cách sử dụng cơ chế vật lý hoặc hóa học, thay vì tiêu diệt chúng. Việc sử dụng chất tẩy rửa cũng giúp tăng cường hiệu quả của các loại thuốc sát trùng và khử trùng.
Ranh giới giữa thuốc sát trùng và khử trùng thường không rõ ràng, vì một số hóa chất có thể đóng vai trò của cả hai, tùy thuộc vào nồng độ và cách sử dụng trong từng trường hợp cụ thể
2. Vai trò, lợi ích của thuốc sát trùng trong chăn nuôi và lựa chọn thuốc sát trùng: 
Thuốc sát trùng có vai trò tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm và các loại vi sinh vật khác có thể gây bệnh cho các loài vật nuôi giúp ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho động vật nuôi và giảm thiểu rủi ro lây nhiễm cho con người khi tiếp xúc với động vật nuôi.
Ngoài ra, việc sử dụng chất sát trùng đúng cách sẽ giúp người chăn nuôi có thể giảm thiểu các bệnh tật ảnh hưởng đến động vật nuôi, từ đó giảm thiểu tỷ lệ tử vong và tăng năng suất sản xuất, đồng thời giảm thiểu chi phí chăn nuôi.
- Việc lựa chọn thuốc sát trùng lý tưởng sẽ bao gồm các tiêu chí:
- Giá thành rẻ, dễ kiếm.
- Phổ tác dụng rộng có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn, bào tử, virus, nấm, trứng của ký sinh trùng, vi khuẩn đơn bào,… mà không gây hại cho vật nuôi, an toàn cho người và môi trường.
- Tác dụng kéo dài, không bị bất hoạt bởi các yếu tố khác.
- Không ăn mòn, biến tính dụng cụ (khử trùng)/ không chậm làm lành vết thương (sát trùng).
Tuy nhiên, việc lựa chọn được các loại thuốc sát trùng lý tưởng đáp ứng đủ các tiêu chí trên là rất khó nên chúng ta phải phối hợp, kết hợp nhiều loại thuốc sát trùng để đem lại hiệu quả cao nhất.
3. Một số tác nhân sát trùng/ khử trùng trong thú y:
Các tác nhân vật lý như: nhiệt khô (sấy, đốt,…), nhiệt ẩm (hấp, luộc), ánh sáng (phơi nắng), tia UV, chiếu xạ,… được sử dụng để sát khuẩn phòng ốc, chuồng trại, vệ sinh dụng cụ, thiết bị.
Tuy nhiên các tác nhân vật lý lại có những nhược điểm như không thể tiêu diệt được các vi khuẩn, vi sinh vật và nấm bám trên bề mặt da, lông của động vật hay trên da của người tiếp xúc. Chính vì vậy, việc sử dụng các tác nhân hóa học là vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số tác nhân hóa học có tính sát trùng hay dùng trong thú y
3.1. Các chất diện hoạt
- Xà phòng:
+ Có bản chất là chất diện hoạt anion, có tác dụng trên vi khuẩn gram (+) và kháng acid nhưng không có tác dụng trên vi khuẩn gram (-). Hoạt tính sẽ gia tăng khi có thêm potassium iodine (KI) và giảm đi khi có nhiều Ca2+ (nước cứng).
+ Sử dụng: rửa tay, vùng phẫu thuật, dụng cụ.
- Benzalkonium chloride (BKC):
+ Có bản chất là chất diện hoạt anion, có tác dụng trên vi khuẩn gram (+) và gram (-), tác dụng trung bình trên nấm và virus có vỏ.
+ Bị bất hoạt khi dùng chung với xà phòng.
+ Thường dùng để vệ sinh chuồng trại bằng dung dịch 10%
3.2. Các acid, kiềm
- Các acid vô cơ như HCl, H2SO4 (0,1-1N) được sử dụng để sát trùng tuy nhiên tính ăn mòn cao nên ít được sử dụng, còn acid boric tính sát trùng yếu.
- Các oxide kiềm và kiềm như CaO, Ca(OH)2, NaOH,… thường dùng để vệ sinh, sát trùng chuồng trại, khu chăn nuôi,…
3.3. Các ancol (cồn)
- Cồn làm biến tính protein và làm giảm sức căng bề mặt. Cồn hay được sử dụng làm thuốc sát trùng là ethanol 70% và isopropanol 50%.
- Có tác dụng trên các tế bào sinh dưỡng (kể cả đối với BK- trực khuẩn lao, virus có vỏ và nấm) nhưng trên bào tử lại không có tác dụng.
- Tương kỵ với HNO3, KMnO4, Na2SO4, CuSO4, Albumin,…
- Sử dụng: sát trùng tay, da.
3.4. Các aldehyde
Các aldehyde sát trùng bằng cách làm đông cứng protein, làm vô hoạt vi sinh vật bằng cách alkyl hóa nhóm -NH2, -SH của protein và vòng nitrogen trong các base purine trong vi sinh vật. Có tác dụng trên hấu hết các vi khuẩn, vi khuẩn sinh bào tử, trực khuẩn lao BK, virus.
Các aldehyde phổ biến là formadehyde, glutaraldehyde, hay được sử dụng là formol có chứa 34-38% formaldehyde và methanol.
- Các chế phẩm dùng trong thú y bao gồm:
+ 15-30 ml dung dịch formol + 100ml nước dùng khử trùng máy ấp trứng, buồng cấy vi trùng, chuồng trại.
+ 1,5L formol 36% +1600g KMnO4 khử trùng được 100m2 phòng làm việc.
3.5. Các dẫn xuất chứa halogen (Chlor, Iod)
Các dẫn xuất của chlor, như chloramin T, chloramin B, nước Javel, và calcium hypochlorite (CaOCl2), khi hòa tan vào nước sẽ tạo ra acid hypochlorous (HOCl), giải phóng clo. Clo này có khả năng ức chế các enzyme trong tế bào, làm thoái hóa protein và bất hoạt acid nhân.
+ Các dẫn xuất này có hiệu quả với vi khuẩn, virus, nấm (ở nồng độ 1ppm), vi khuẩn lao (50ppm), bào tử vi khuẩn, và trứng ký sinh trùng.
+ Ứng dụng chính bao gồm làm sạch sàn nhà, vệ sinh dụng cụ vắt sữa, xử lý vết thương và những khu vực bị nhiễm khuẩn.
Iod, một chất có khả năng thâm nhập vào tế bào và can thiệp vào quá trình chuyển hóa nguyên sinh chất, có tác dụng mạnh đối với vi khuẩn, virus, nấm, trứng ký sinh trùng, đặc biệt là vi khuẩn lao và vi khuẩn có bào tử.
+ Các chế phẩm phổ biến bao gồm dung dịch cồn iod 1%, PVP iodine 10%, và iodophore.
+ Sử dụng trong nhiều tình huống như sát trùng da trước phẫu thuật, vị trí tiêm, thiến, rốn động vật non, xử lý viêm vú, và vệ sinh cơ quan sinh dục
3.6. Các hợp chất oxy hóa
Các hợp chất peroxide (Oxy già, ozon, peracetic acid, potassium triple salt) có tính sát trùng nhẹ trên các vi khuẩn hiếu khí G+, G- nhưng không diệt được bào tử (ngoại trừ potassium triple salt). Công dụng chính là rửa sạch vết thương và làm mất mùi hôi. Potassium triple salt sát trùng bằng cách giải phóng oxy đang sinh làm hư hỏng tế bào, có tác dụng trên vi khuẩn, virus, nấm, động vật nguyên sinh.
Ngoài ra còn tác nhân oxy hóa khác được sử dụng để sát trùng tay, vết thương, mụn loét, giảm độc tính của các alkaloid (strychnin, morphin) là thuốc tím (KMnO4). Thường được sử dụng nồng độ khoảng 0,1-0,3% để rửa, sát trùng vết thương.
3.7. Phenol và các dẫn xuất phenol
- Phenol:
+ Có khả năng gây độc đối với nguyên sinh chất, phá hủy thành tế bào, đông kết protein, dung dịch 5% có thể tiêu diệt nha bào nhiệt thán, trực khuẩn BK. Tuy nhiên, phenol có độc tính cao nên ít được sử dụng.
+ Thường dùng tiêu độc chuồng trại, dụng cụ thú y (dung dịch 3-5%), tiêu độc quần áo, rửa vết thương (dung dịch 3%), chống ngứa, trị ghẻ (dung dịch 1%), nhưng không dung tiêu độc lò sát sinh vì để lại mùi hôi.
- Dẫn xuất của phenol (Cresol, Halophenol):
+ Tác dụng sát khuẩn và diệt nấm của cresol gấp 3 lần phenol nhưng tác động yếu hơn trên virus. Ðặc biệt dẫn xuất của Cresol và Halophenol vẫn giữ được hiệu lực khi có các chất hữu cơ và ít độc hơn phenol.
+ Dung dịch 0,2-0,5% dùng sát trùng tay, dung dịch 2% sát trùng chuồng trại. Hơi cresol có thể sát trùng lồng gà, máy ấp trứng, nhà máy thức ăn.
3.8. Các hợp chất kim loại nặng (Ag, Hg)
Các hợp chất chứa thủy ngân có khả năng sát trùng, chống nấm phải kể đến là thuốc đỏ có thành phần hoạt chất chính là merbromin chủ yếu có tác động tĩnh khuẩn, hoạt tính bị giảm mạnh khi tiếp xúc với các chất hữu cơ. Tuy nhiên ngày nay thuốc đỏ ít được sử dụng do gây hại môi trường, đặc biệt là trong thú y cũng ít dùng hơn.
Hợp chất chứa bạc (như AgNO3) cung cấp ion Ag+ có tác dụng tương tác lên các nhóm thiol của enzyme hay protein của nấm vi khuẩn virus dẫn đến bất hoạt, ức chế sự phân chia tế bào và làm hỏng lớp màng tế bào.
3.9. Nhóm Biaguanide
Các hợp chất nhóm biaguanide được sử dụng làm chất sát trùng và chất bảo quản do có phổ rộng với nhiều vi sinh vật, ít gây kích ứng nhưng hoạt tính giảm khi gặp chất hữu cơ. Các hợp chất nhóm Biaguanide hay sử dụng là: Chlorhexidine, Alexidine,…
3.10. Xanh methylene
- Xanh Methylene là loại thuốc sát khuẩn và giải độc nhẹ, thường được sử dụng để chữa trị một số bệnh như viêm da mủ, nhiễm virus ngoài da,…
- Sử dụng: dung dịch 1% sát trùng bên ngoài điều trị viêm miệng, mụn nước, viêm móng, rửa cơ quan sinh dục còn sát trùng bên trong dùng sát trùng đường tiết niệu.
Dưới đây là bảng tổng hợp, so sánh về một số loại thuốc sát trùng thường gặp theo mục đích sử dụng:
  Chuồng trại Dụng cụ, thiết bị Hố sát trùng Ký sinh trùng Nơi trộn cám, thức ăn Nước Người
BKC x x x   x x x
Ethanol 70% x x x   x   x
Formaldehyde x x x        
Glutaraldehyde x x x        
Cloramin B x   x   x x  
Cloramin T x   x   x x  
PVP Iodine x   x        
Chlorhexidine x           x
Oxy già H2O2 x         x x
Potassium triple salt x x x   x x  
Chlorocresol x x x x      
Xanh methylene x     x      
Acid hữu cơ x         x  
4. Cách sử dụng thuốc sát trùng trong chăn nuôi
Khi sử dụng thuốc sát trùng trong chăn nuôi, người chăn nuôi cần phải tuân thủ các hướng dẫn và quy định được đưa ra bởi các cơ quan quản lý chăn nuôi như:
- Đảm bảo an toàn cho vật nuôi, gia súc, gia cầm và người chăn nuôi.
- Sử dụng đúng liều lượng, tránh quá liều.
- Đảm bảo sự thông gió và thông khí đặc biệt là phun, xịt hay các tác nhân sát trùng sinh khí độc hại.
- Có thể dùng một hay kết hợp nhiều loại thuốc sát trùng để đảm bảo hiệu quả sát trùng.