Ở nước ta, bệnh chướng hơi dạ cỏ thường xảy ra trong mùa đông và xuân, đặc biệt phổ biến ở các loài nhai lại như trâu, bò, dê, cừu,... Nguyên nhân chủ yếu là do gia súc ăn nhiều loại thức ăn dễ lên men, gây tích tụ lượng hơi lớn trong dạ cỏ. Khi lượng hơi này vượt quá mức bình thường, nó sẽ làm tăng thể tích dạ cỏ, gây áp lực lên các cơ quan trong ổ bụng, làm gan giảm khả năng giải độc. Đồng thời, thể tích xoang ngực cũng bị thu hẹp, gây cản trở hoạt động của tim và phổi, khiến con vật khó thở và có thể nhanh chóng tử vong do ngạt.
Bệnh thường xuất hiện sau khi ăn 30 phút đến 1 giờ và tiến triển rất nhanh.
Nguyên nhân
Do gia súc ăn nhiều thức ăn dễ lên men sinh hơi: Thức ăn xanh chứa nhiều nước như: cỏ non, thân cây đỗ, dây khoai lang, thân cây ngô non,… Thức ăn có nhiều nhựa (saponin) như: lá cây râm bụt…Thức ăn đang lên men dở như: cây, cỏ, rơm mục, bã bia, bã sắn,…Gia súc ăn cơm nguội, cháo.
Do gia súc ăn phải thức ăn có chứa chất HCN: măng tre, sắn hoặc có lẫn hoá chất độc hại như hợp chất photpho hữu cơ. Hoặc do trúng độc cacbamit.
Khi gia súc làm việc quá tải hoặc thời tiết thay đổi đột ngột, hệ tiêu hóa của chúng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng này cũng có thể phát sinh từ các bệnh truyền nhiễm như cúm, tụ huyết trùng, nhiệt thán, hoặc từ những vấn đề nội khoa khác như liệt dạ cỏ, viêm dạ tổ ong, viêm phúc mạc, liệt hoặc tắc thực quản. Ngoài ra, nếu gia súc bị nằm liệt trong thời gian dài và không thể ợ hơi, điều này cũng dễ dàng dẫn đến các rối loạn tiêu hóa.
Triệu chứng
Bệnh thường xuất hiện rất nhanh, chỉ sau 30 phút đến 1 giờ sau khi gia súc ăn. Khi bệnh khởi phát, con vật thường có những biểu hiện như bụng phình to rõ rệt, cảm giác đau bụng, đứng nằm không yên, và thường xuyên di chuyển quanh cọc. Gia súc có thể dùng đuôi quất mạnh vào vùng bụng trái để giảm bớt sự khó chịu. Khi gõ vào vùng hõm hông bên trái, âm thanh vang lên chủ yếu là âm trống, trong khi âm đục và âm bùng hơi giảm hoặc mất hẳn. Ấn tay vào vùng dạ cỏ có cảm giác căng như ấn tay vào quả bóng cao su chứa đầy hơi.
Khi nghe vùng dạ cỏ, ban đầu có thể nhận thấy nhu động dạ cỏ tăng lên, nhưng sau đó dần giảm và cuối cùng mất hẳn.
Lúc này, chỉ còn nghe thấy những tiếng nổ lép bép do quá trình lên men của thức ăn. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn: bụng gia súc ngày càng phình to, vùng hõm hông bên trái lồi rõ rệt và thậm chí có thể cao hơn cả mỏm ngoài của xương cánh hông. Gia súc đau bụng rõ rệt, vã mồ hôi, uể oải, hay sợ hãi, con vật ngừng ăn, ngừng nhai lại. Gia súc khó thở, tần số hô hấp tăng, dạng 2 chân trước ra để thở, hoặc thè lưỡi ra để thở.
Hệ thống tuần hoàn của gia súc trở nên rối loạn, máu ở cổ và đầu không thể dồn về tim được nên dẫn đến tĩnh mạch cổ bị phồng to, tim đập nhanh (140 lần/phút), mạch yếu, huyết áp giảm. Con vật có thể bị hôn mê rồi chết nhanh do bị ngạt và trúng độc. Lỗ mũi, hậu môn có khi có máu tươi, có hiện tượng lòi dom.
Do bệnh này có sự tiến triển rất nhanh, nên nếu không phát hiện ra sớm để điều trị kịp thời, con vật sẽ bị rối loạn hô hấp và tuần hoàn: ngạt thở, trúng độc toan và xuất huyết não mà chết.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán bệnh cần dựa vào các đặc điểm và triệu chứng điển hình. Bệnh thường xuất hiện và tiến triển nhanh chóng, chỉ trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau khi gia súc ăn. Vùng bụng trái của con vật sẽ căng phồng rõ rệt. Khi gõ vào vùng dạ cỏ, âm trống sẽ vang lên, bao phủ toàn bộ khu vực này. Khi dùng tay ấn vào dạ cỏ, sẽ có cảm giác căng cứng như đang ấn vào một quả bóng cao su chứa đầy khí. Nếu chọc troca vào dạ cỏ, lượng khí lớn sẽ thoát ra mạnh qua lỗ kim. Con vật bị khó thở rất nặng.
Trong quá trình chẩn đoán cần phân biệt với bệnh bội thực dạ cỏ: bệnh tiến triển chậm (xuất hiện sau khi ăn từ 6-9 giờ), khi gõ vùng dạ cỏ thấy xuất hiện vùng âm đục tuyệt đối, ấn tay vào vùng dạ cỏ để lại vết lõm sau khi bỏ tay ra.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị căn bệnh này: điều quan trọng nhất là cần tìm mọi cách để tháo hơi ra khỏi dạ cỏ, tẩy trừ tất cả thức ăn ra khỏi dạ cỏ, ức chế sự lên men sinh hơi thức ăn trong dạ cỏ, tìm mọi cách phục hồi và tăng cường nhu động dạ cỏ, tăng cường trợ sức, trợ lực cho con bệnh.
Hộ lý - Chăm sóc gia súc:
Để hỗ trợ gia súc thoát hơi, cần đặt con vật ở tư thế cao đầu, thấp mông. Việc giúp hơi thoát ra khỏi dạ cỏ có thể được thực hiện bằng cách kéo lưỡi của gia súc theo nhịp thở và thụt sạch phân ở trực tràng. Dùng cỏ khô hoặc rơm xoa bóp vùng dạ cỏ 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài từ 10 đến 15 phút. Nếu lượng hơi tích tụ quá lớn trong dạ cỏ khiến gia súc có biểu hiện ngạt thở, cần chọc troca để giải phóng hơi ra ngoài, tránh tình trạng nguy hiểm cho con vật. (Nếu trâu, bò bị chướng hơi ở thể sủi bọt thì khi trọc troca các bọt khí sẽ vít lỗ kim, làm cản trở thoát khí ra ngoài. Khi đó chúng ta dùng 25 - 30g ZnO hoà với 100 - 150ml nước sạch rồi bơm vào dạ cỏ để phá vỡ các khí bào cho khí thoát ra).
Khi con vật bình phục và có thể ăn lại được, thì chỉ nên cho ăn các loại thức ăn thô xơ như: rơm và cỏ khô, tuyệt đối không cho ăn các loại thức ăn dễ lên men sinh hơi: cỏ non, cám, ngô, khoai,…
Dùng thuốc điều trị
Tăng cường thoát hơi ra khỏi dạ cỏ: Bôi MgSO4 hoặc Na2SO4 vào niêm mạc miệng. Hoặc cho uống nước lá thị: lá thị 2 nắm to giã nhừ rồi hoà với nước sạch sau đó lọc lấy nước cho uống còn bã dùng để trà sát vào hậu môn.
Để thải trừ chất chứa ra khỏi dạ cỏ của vật nuôi, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Magie sulfat hoặc natri sulfat. Liều lượng: trâu, bò: 300 - 500g, dê, cừu: 100 - 200g. Cho uống ngày một lần duy nhất vào ngày đầu tiên điều trị. Hoặc dùng dung dịch Magie sulfat 20% tiêm với liều 1ml/10kg thể trọng.
Để ức chế sự lên men sinh hơi của vi sinh vật trong dạ cỏ, dùng: Cho uống dung dịch rượu tỏi: tỏi 3 - 4 củ giã nhỏ + 100ml rượu + 1lít nước sạch; hoặc cho uống nước dưa chua: 1 - 1,5lít; hoặc cho uống dung dịch dấm ăn: 500ml dấm + 1lít nước sạch; hoặc dùng chanh, khế chua vắt lấy nước cho bò uống; hoặc cho uống từ 3 - 5 lít bia hơi/con.
Để phục hồi và tăng cường nhu động dạ cỏ, chúng ta có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Schychnin B1 hoặc schychnin sulfat 0,1% với liều: trâu, bò: 20 - 30 ml, dê cừu: 5 - 10 ml. Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da của vật nuôi 2 - 3 lần, ngày tiêm 1 lần. Pilocarpin 3%: (thận trọng khi sử dụng, đề phòng vỡ dạ cỏ).
Chú ý: Không dùng Schychnin và Pilocarpin cho gia súc đang mang thai vì dễ gây sảy thai.
Điều trị kế phát sau khi bị trướng hơi dạ cỏ:
Dùng một trong các kháng sinh phổ rộng sau :
Five-Cefketo,
Five-Cefone@LA,
Five-PenStrep.LA,
Five-Enroclofenac,… cùng một trong các thuốc trợ sức trợ lực:
Five-Acemin.B12,
Five-Vitamin B1 inj,
Five-Butasal,
Five-ADE Inj,
Five-Bcomplex inj,
Five-Vitamin C,…