Ngày đăng: 12/04/2022
Ghi nhận giá heo hơi ngày 12/4, trên cả 3 miền tiếp tục đi ngang so với hôm qua. Hiện giá heo hơi được thu mua trong khoảng 52.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc giá heo hơi được thu mua với mức 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 53.000 - 56.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 12/4/2022: Nông dân ứng phó với “bão giá” thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Đình Phương
Ông Văn Đức Dũng, xã Liên Khê (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) học cách tự phối trộn thức ăn cho đàn heo của gia đình 3 năm nay. Nhờ cám trộn mà gia đình ông đã vượt qua được giai đoạn “bão giá” thức ăn chăn nuôi. Ông Dũng chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 1.000 con heo các loại. Do giá đầu vào của con giống, thức ăn, thuốc thú y thường xuyên biến động nên tôi đã lựa chọn giải pháp tự phối trộn thức ăn để tối ưu hóa chi phí sản xuất. Học hỏi công thức, kỹ thuật từ các nhà sản xuất premix, phụ gia thức ăn chăn nuôi, sau đó gia đình đầu tư một máy nghiền, một máy trộn, tìm mua các nguyên liệu thô sẵn có tại địa phương như: Ngô, cám gạo, đậu tương, cá khô, các loại vitamin và khoáng chất rồi học hỏi cách phối trộn, tạo ra thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn heo. Với cách làm này, gia đình tôi tận dụng được nhân công dôi dư, cắt giảm được các khâu trung gian, giá cám giảm khoảng 2 nghìn đồng/1kg so với việc mua cám viên của các công ty.
Bà Nguyễn Thị Phái, xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) cũng đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để kết hợp với thức ăn công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Phái cho biết: Gia đình tôi hiện nuôi 13 con bò BBB, 30 con heo. Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên tôi xác định “lấy công làm lãi”, tận dụng cám gạo từ quá trình xay xát, tôi phối trộn thêm với thân cây chuối, cỏ voi, cám công nghiệp để làm thức ăn cho bò. Cùng với đó, tôi tận dụng bã rượu của các hộ nấu rượu ở cùng địa phương để làm thức ăn cho heo. Kết hợp các phụ phẩm nông nghiệp với thức ăn công nghiệp, mặc dù vật nuôi lớn chậm hơn so với cho ăn cám công nghiệp hoàn toàn nhưng tôi không phải lo lắng về chi phí thức ăn và tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, do thời gian nuôi dài hơn, thức ăn phần lớn là hữu cơ, gần gũi với thiên nhiên nên sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn so với thị trường.
Từ năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã tăng giá trên 10 lần, mỗi đợt tăng từ 200 - 350 đồng/kg. Mặc dù Chính phủ đã có quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu như lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 3 đợt. Nguyên nhân khiến thức ăn chăn nuôi trong nước tăng giá là do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nước trên thế giới gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, cuộc xung đột quân sự giữa các nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn trên thế giới là Nga và Ukraine đã làm giảm nguồn cung, đẩy giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn tăng mạnh. Ngoài ra, giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Qua thực tế sản xuất của các hộ chăn nuôi, ở thời điểm giá cám công nghiệp tăng cao như hiện nay, sử dụng thức ăn phối trộn mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giảm chi phí thức ăn từ 10 - 20%, người chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn nguyên liệu trong công thức, có thể thay đổi theo mùa thu hoạch nông sản tại địa phương và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này nhằm giảm giá thành sản xuất; chủ động khẩu phần dinh dưỡng, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, thức ăn luôn tươi mới sẽ giúp vật nuôi phát triển tốt. Ngoài ra, người chăn nuôi sẽ dễ dàng kiểm soát được các chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh. Do vậy, rất phù hợp với mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi không kháng sinh.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng thức ăn phối trộn cũng có một số hạn chế nhất định bởi lựa chọn công thức trộn thức ăn chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi và từng giai đoạn vật nuôi là điều không dễ với các trang trại. Do vậy, để việc sử dụng thức ăn phối trộn đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi nên sử dụng các loại nguyên liệu có sẵn tại địa phương để phối trộn, bảo đảm đầy đủ các yếu tố: Đạm, năng lượng, vitamin, khoáng chất. Nguyên liệu trước khi phối trộn cần được nghiền nhỏ, các nguyên liệu như: Ngô, cám, đậu tương, khô dầu, bột cá… phải bảo đảm chất lượng, không bị nấm mốc, ẩm, vón cục, biến màu. Cần dựa vào quy mô, lứa tuổi đàn vật nuôi để tính toán lượng thức ăn phù hợp, không nên phối trộn thức ăn quá nhiều để bảo đảm chất lượng của thức ăn. Bên cạnh đó, người dân cần phối trộn thức ăn theo công thức phù hợp cho từng đối tượng vật nuôi, mục đích chăn nuôi và từng lứa tuổi của vật nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của đàn vật nuôi để điều chỉnh công thức phối trộn phù hợp.
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận giá heo hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 53.000 - 54.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Quảng Bình giá heo hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng giá heo hơi ở mức 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh giá heo hơi ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Long An giá heo hơi được thu mua với mức 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 52.000 - 57.000 đồng/kg.
Nguồn: tieudung.vn