BỘ LỌC TÌM KIẾM Click xem bộ lọc
Theo danh mục

TS Nguyễn Thị Hương, tổng giám đốc Fivevet: “Bông hồng thép” của ngành thuốc thú y Việt Nam

Ngày đăng: 16/07/2018

Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 5 (FIVEVET) là một trong những doanh nghiệp thuộc Top đầu của ngành sản xuất, kinh doanh thuốc thú y Việt Nam. Đằng sau thành công đó, phải nhắc vai trò to lớn, hàng đầu của người lãnh đạo công ty: Tổng giám đốc, TS Nguyễn Thị Hương (ảnh) -“Bông hồng thép” của ngành sản xuất kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam.
 


TS Nguyễn Thị Hương, tổng giám đốc Fivevet: “Bông hồng thép” của ngành thuốc thú y Việt Nam
 
Duyên nợ với ngành

Sinh năm 1954 và lớn lên từ mảnh đất miền Trung, TS Nguyễn Thị Hương từng tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp và được giữ lại làm giảng viên của trường Đại học Nông nghiệp II. Chỉ chưa đầy 5 năm đứng trên bục giảng, bà được công nhận là giáo viên dạy giỏi, là cán bộ nguồn của khoa Kinh tế Nông nghiệp. Nhưng, Trường chuyển vào TP Huế, trong khi chồng bà lại làm việc ở Hà Nội, bà Hương phải bỏ nghề giáo mình rất yêu thích để về Hà Nội tìm việc.
Cuối năm 1983, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hương vào làm nhân viên kế toán tại Công ty Thuốc Thú y Trung ương I (VINAVETCO). Dù không học chuyên ngành kế toán nhưng nhờ sự kiên trì, chăm chỉ, nỗ lực, tự học tập, nên bà Hương đều làm tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao. Với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cô nhân viên kế toán ấy có nhiều sáng kiến, đã giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, bà Hương được Bộ Nông nghiệp bổ nhiệm giữ chức Kế toán trưởng, rồi Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng kinh doanh, Phó giám đốc; và bà đã được giao một trách nhiệm thật nặng nề, nhưng cũng thật vinh quang, đó là Giám đốc công ty Vật tư và Thuốc thú y duy nhất của Bộ Nông nghiệp khi mới 38 tuổi đời. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, TS Hương nói: “Chuyên ngành ngành đào tạo của tôi là Kinh tế Nông nghiệp, không  phải là dân Chăn nuôi - Thú y gốc, vì thế, bạn bè đồng nghiệp trong ngành rất ít. Tôi  lại đảm nhận trách nhiệm Giám đốc đúng thời điểm nền kinh tế cả nước chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng cũng chính vì vậy, tôi càng cố gắng, nỗ lực hơn, tìm cho mình một hướng đi táo bạo hơn và có cơ hội thành công hơn”.
Từ năm 1992-1996,  phải điều hành hoạt động công ty một mình (không có Phó giám đốc) nhưng bà Hương quyết tâm theo học ngành Chăn nuôi Thú y, cùng với đó, bà đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) ngành Quản lý Kinh tế.
 Đứng đầu VINAVETCO đúng vào thời điểm đất nước chuyển giao từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, từ một công ty là đơn vị phân phối vật tư theo giá rẻ như cho, nay gặp vô vàn khó khăn, nhưng TS Nguyễn Thị Hương đã kiên định chèo lái VINAVETCO trở thành thương hiệu mạnh. Đến tận bây giờ, người ta vẫn nhắc đến tên bà ở VINAVETCO là một người lãnh đạo có tâm, có tầm, có uy tín, có trách nhiệm. Trong lòng cán bộ công nhân viên của VINAVETCO, bà Hương là Anh hùng Lao động, vì họ đã tôn vinh bà với số phiếu tín nhiệm giới thiệu 98,83%.
15 năm đứng đầu VINAVETCO, bà Hương làm việc với tinh thần chuyên tâm, sáng tạo, hết lòng vì công việc, với nhiều sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, bà được nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Nhà doanh nghiệp giỏi, 12 bằng Lao động sáng tạo, Chiến sĩ thi đua ngành Nông nghiệp nhiều năm, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, đặc biệt được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba khi bà mới 42 tuổi.

Nghỉ hưu vẫn quyết tâm khởi nghiệp

Năm 2007, bà Hương nghỉ hưu. Cũng ở thời điểm đó, thị trường Thuốc thú y có nhiều công ty trong nước phát triển và lớn mạnh. Họ có nhiều năm kinh nghiệm, có tiềm lực về con người, về vốn, cùng với đó, sản phẩm của họ có uy tín trên thị trường. Đây cũng là thời điểm Bộ NN&PTNT yêu cầu việc sản xuất thuốc Thú y phải có nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, mà muốn có nhà máy phải đầu tư một lượng vốn không nhỏ, kèm đó nhân lực chất lượng cao. Nếu không có bản lĩnh thì không ai dám mở một công ty mới để sản xuất kinh doanh thuốc thú y. Vậy mà, TS Nguyễn Thị Hương vẫn quyết tâm sáng lập công ty FIVEVET.
Gom hết số tài sản vốn liếng của gia đình ngần ấy năm tích lũy, tháng bảy, trời nắng như đổ lửa, người phụ nữ ấy một mình phóng xe máy từ trung tâm Hà Nội xuống Hà Bình Phương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, để tìm mua đất xây dựng nhà máy. Bà nhận ra số vốn của mình chỉ đủ để mua 2.000m² đất, trong khi đất xây dựng nhà máy đòi hỏi ít nhất phải 5.000 m². Bà tâm sự: “Lúc đó tôi có nản chí, định bỏ cuộc, nhưng nhờ sự động viên và giúp đỡ của bè bạn. Đặc biệt, thâm tâm tôi muốn tận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy trong những năm qua để tạo dựng thêm một “sân chơi” cho các bạn  trẻ, nên mình có thêm ý chí và quyết tâm”.
Khi mới bắt đầu thành lập công ty, rồi những ngày tháng tiếp theo, bản thân bà Hương vừa làm thầy vừa làm thợ. Có những ngày, bà Hương phải làm việc ở xưởng từ 5 giờ sáng tới 10 giờ tối, khi ra khỏi phòng, thân thể rã rời. “Nhưng cứ nghĩ, “đứa con” mình sinh ra mình phải nuôi nó thành tài, FIVEVET phải trở thành một thương hiệu mạnh, FIVEVET phải góp phần cho sự phồn vinh của mọi nhà, thì tôi lại có thêm động lực cho mình, có thêm sức mạnh để suy nghĩ, để làm việc”, TS Nguyễn Thị Hương khẳng định.
Sự chịu đựng gian khó, tinh thần làm việc của bà Hương đã được đền đáp, năm 2011, FIVEVET là một trong 10 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Thuốc thú y đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ của tổ chức Y tế thế giới GMP, GLP, GSP cho nhà máy sản xuất, phòng kiểm nghiệm và kho bảo quản thuốc thú y.
 Sau 10 năm hoạt động, FIVEVET được cấp chứng nhận đã doanh nghiệp Khoa học công nghệ, vì vậy công ty đã nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. FIVEVET xác định tham gia đề tài trên tinh thần nghiêm túc và có sản phẩm công nghệ cao thực sự. Tuy thị phần và doanh số bán hàng của FIVEVET chưa lớn, nhưng thương hiệu FIVEVET đã được khẳng định. Công ty đã có khoảng 250 nhãn hàng. Sản phẩm thương hiệu FIVEVET  luôn được tin dùng, với trên 300 khách hàng trong nước, 15 khách hàng từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Sản phẩm Công ty nhiều năm liên tục được công nhận là Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích. Giai đoạn từ năm 2013 – 2017, Công ty được Thủ tướng chính phủ tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia.  FIVEVET sẽ đi những bước đi vững chắc để trở thành thương hiệu mạnh và bền vững. Ngày 19/1/2018, FIVEVET khánh thành nhà máy vắc xin và sinh phẩm thú y, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Trong một tương lai không xa, công ty sẽ có nhiều loại vaccine công nghệ cao giá bán thấp nhưng chất lượng tương đương hàng nhập khẩu.

Bí quyết thành công

TS Nguyễn Thị Hương cho rằng: “Doanh nghiệp thành công hay thất bại chủ yếu tùy thuộc vào vai trò quản lý điều hành của người đứng đầu doanh nghiệp. Người đứng đầu như cái đầu tàu, đầu tàu có vững thì đoàn tàu mới đi đúng quỹ đạo. Người đứng đầu phải đủ Tâm – Tầm – Tài, để thực sự là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ dưới quyền. Người đứng đầu phải có uy, mà muốn có uy, thì trước hết mình phải gương mẫu, phải làm gương cho người khác, qua việc mình làm chứ không phải lời mình nói. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mình phải biết mình là ai, mình đang ở đâu, mình đang làm gì, mục đích của mình là gì. Làm người có quyền phải để cho người khác kính, nhưng không sợ, đừng để họ sợ mà không kính, mình muốn giỏi mình phải biết tập hợp sức lực và trí tuệ của mọi người; trong làm việc cố gắng đối thoại, chứ không đối đầu. Cùng với đó, người đứng đầu phải xử lý thông tin kịp thời chính xác và có trách nhiệm…”.
Bà cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng FIVEVET, điều quan trọng và cốt lõi nhất là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp công ty được quy định từ văn hóa ứng xử, giao tiếp; văn hóa trong làm việc, xử lý công việc; trong tổ chức các hoạt động, trong hội họp; trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; trong quan hệ nội bộ và quan hệ với đối tác. Công ty phát triển có định hướng chiến lược, có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn. Mỗi chương trình đều được xây dựng rất khoa học, nghiêm túc và rất chất lượng.
 Là người đứng đầu Fivevet, TS Nguyễn Thị Hương rất chú trọng tới vấn đề nhân sự với chính sách thu hút nhân tài và bồi dưỡng nhân lực. Nhiều trí thức trẻ được đào tạo bài bản ở các quốc gia tiên tiến đã về làm việc với FIVEVET. Bà thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với cán bộ chủ chốt. Những vấn đề nóng của chăn nuôi, thú y nói chung và cái khó của công ty nói riêng được đưa ra thảo luận, mổ xẻ và đưa ra kết luận khiến mọi người tâm phục, khẩu phục.
Bà Hương cũng cho rằng, người làm nghề thuốc thú y nên có cái tâm với người chăn nuôi vì họ chịu rất nhiều thiệt thòi (đối mặt với dịch bệnh, giá bán thất thường, lãi suất vay vốn cao, ít được hỗ trợ...). Tất nhiên, trong kinh doanh ai cũng cần có lãi nhưng lãi ở mức độ nào, giá bán sản phẩm phải tương đồng với giá trị sử dụng. Trách nhiệm của người làm thuốc thú y là đảm bảo an toàn dịch bệnh, chi phí chăn nuôi thấp và người chăn nuôi có lãi. Trong kinh doanh, ngoài lợi nhuận, công ty của bà Hương luôn quan tâm đến cộng đồng như tặng học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên chăn nuôi thú y có kết quả học tập, rèn luyện tốt. FIVEVET thường xuyên  hỗ trợ kỹ thuật và thuốc thú y cho những nông dân khởi nghiệp từ chăn nuôi, chương trình xóa đói giảm nghèo…
Với nhiều đóng góp cho ngành Chăn nuôi - Thú y, TS Nguyễn Thị Hương được người trong ngành dành cho sự quý mến và trân trọng. Trong một lần xuống thăm FIVEVET, Thứ trưởng Bộ NN &PTNT, ông Vũ Văn Tám chia sẻ với báo chí: “Tôi đánh giá cao bà Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hương, người phụ nữ sáng tạo, rất quyết liệt tổ chức chỉ đạo sản xuất, quản trị doanh nghiệp, có tư duy và định hướng chiến lược cho FIVEVET”.
U 70 Nguyễn Thị Hương đúng là “gừng càng già càng cay”, bởi ở độ tuổi này, bà vẫn rất trẻ trung, nhanh nhẹn, hoạt bát; nhanh nhạy với thông tin; sáng tạo, quyết đoán và đam mê công việc. Gần 40 năm trong ngành Thuốc thú y, gần 30 năm đứng đầu doanh nghiệp, với cái tâm và tầm của mình, chắc chắn TS Nguyễn Thị Hương sẽ còn đào tạo được nhiều cán bộ trẻ thành đạt, tạo thêm nhiều việc làm và góp thêm nhiều sức lực và trí tuệ cho ngành chăn nuôi thú y nước nhà phát triển hiệu quả và bền vững./.
Tác giả: Hà Ngân
Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam trang 32-33, số tháng 7.2018
 
Chia sẻ :
Ý KIẾN PHẢN HỒI

Bài viết khác