Ngày đăng: 18/11/2017
Tuy nhiên, sự quan tâm, vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch tại một số huyện, xã chưa quyết liệt, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng là rất cao.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến ngày 12/11, dịch LMLM gia súc chưa qua 21 ngày đã phát sinh tại 39 thôn của 10 xã, thuộc 4 huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn và Kỳ Anh làm 173 con trâu bò và 6 con lợn bị bệnh.
Địa phương có số trâu, bò bị bệnh nhiều nhất là Hương Khê (71 con). Đây cũng đang được xem là điểm “nóng”, bởi hầu hết gia súc nhiễm bệnh được xác định lây lan từ đàn bò do Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê (viết tắt là trung tâm) mua về hỗ trợ các hộ nghèo.
Theo đó, ngày 25/10 có 14 con bò dự án được phát hiện bị bệnh, đến ngày 29/10 số lượng tăng lên 30 con và đến ngày 12/11 tiếp tục tăng lên 71 con. Chỉ trong thời gian hơn nửa tháng nhưng đàn gia súc bị bệnh liên tục tăng khiến ngành nông nghiệp Hà Tĩnh hết sức lo ngại.
Sở NN-PTNT liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo huyện Hương Khê và các địa phương tăng cường phòng chống dịch, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan, thậm chí yêu cầu huyện Hương Khê “chỉ đạo rà soát, đánh giá để ban hành quyết định công bố dịch LMLM gia súc theo đúng quy định”.
Ngành chuyên môn sốt sắng như vậy nhưng theo tìm hiểu của PV NNVN, đến ngày 12/11, huyện Hương Khê vẫn chần chừ chưa công bố dịch. “Nếu xét các điều kiện trong quy định của Luật thú y thì huyện Hương Khê cần công bố dịch để tập trung quyết liệt, đồng bộ hơn trong chống dịch”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nói.
Theo ông Hùng, hiện công tác phòng chống dịch như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng bao vây bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa phùn, gió bấc và các đợt bão lũ; một số địa phương phòng chống dịch không đồng bộ, thiếu quyết liệt; tỷ lệ tiêm phòng nhiều huyện đạt thấp; tình trạng thả rông trâu bò... nên nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao.
“Nếu các địa phương, đặc biệt là người chăn nuôi chủ quan để dịch lây sang đàn lợn, đặc biệt là lợn nái tại các trang trại chăn nuôi tập trung thì thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.
Vị Chi cục trưởng cũng khuyến cáo người dân, dù trong điều kiện giá lợn, trâu bò sụt giảm nhưng người chăn nuôi vẫn phải duy trì việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng, bởi thời điểm này đã gần cuối năm nếu phải công bố dịch, cấm hoạt động buôn bán gia súc thì người thiệt hại không ai khác chính là bà con.
Về công tác tiêm phòng, hiện tỷ lệ tiêm phòng bệnh LMLM gia súc tại các địa phương hầu hết đạt rất thấp. Có tới 7/13 huyện, thị xã, thành phố tỷ lệ tiêm đạt dưới 50%; trong đó, Kỳ Anh (30,1%); Cẩm Xuyên (32,7%); Đức Thọ (36,4%); Nghi Xuân (45%); Thạch Hà (42,7%)...; huyện tiêm đạt cao nhất cũng chưa đến 70%.
Để ngăn chặn dịch bùng phát diện rộng, từ tháng 8 đến nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã cấp 134.450 liều vacxin LMLM nhị tuýp O, A để tiêm phòng đợt 2; cấp 11.318 lít hóa chất (Benkocid, vinadin, Han-iodine) và hơn 8,7 tấn vôi bột phục vụ tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương đang có dịch tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển giết mổ gia súc trên địa bàn xã và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp. Lập các biển báo vùng có dịch, chốt gác trên trục đường giao thông chính của khu vực xảy ra dịch nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán gia súc từ vùng dịch ra ngoài và ngược lại.
Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh để công bố dịch LMLM trên địa bàn theo đúng quy định; kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, để dịch bệnh phát sinh và lây lan...
Liên quan đến vụ việc trung tâm nhập bò nhiễm bệnh LMLM về hỗ trợ hộ nghèo, hiện Công an huyện Hương Khê đã vào cuộc để điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và làm việc với các bên liên quan, bước đầu Sở NN-PTNT xác định việc nhập con giống về địa phương để phát triển chăn nuôi chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định như: Đơn vị cung cấp gia súc giống và cán bộ kiểm dịch tại nơi xuất không lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, số mũi vắc xin tiêm phòng chưa đảm bảo...; chủ đầu tư (UBND xã Hương Xuân, Phú Phong, Gia Phố) không tổ chức nuôi cách ly gia súc trước khi nhập đàn theo quy định; trung tâm không bố trí cán bộ chuyên môn thú y trong việc phối hợp các xã để hướng dẫn việc mua bò giống đảm bảo chất lượng, không dịch bệnh; công tác chỉ đạo, giám sát việc thực hiện hỗ trợ gia súc cho người dân của các phòng chức năng của huyện Hương Khê còn thiếu chặt chẽ. |