I. Một vài nét về bệnh Dịch tả lợn Châu phi (ASF)
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm gây sốt cao, xuất huyết với tỉ lệ ốm có thể lên đến 100%. ASF do một loại virus gây ra tên là ASFV. ASFV là virus ADN thuộc họ Asfarviridae, giống Asfivirus. Thời gian ủ bệnh trong tự nhiên thường 4-19 ngày. Các chủng virus có độc lực cao gây xuất huyết bán cấp tính và cấp tính có đặc điểm sốt cao, bỏ ăn uống, xuất huyết ở da và các cơ quan nội tạng, chết trong vòng 4-10 ngày, đôi khi chết ngay cả trước khi có dấu hiệu lâm sàng đầu tiên. Các chủng có độc lực thấp hơn có triệu chứng lâm sàng không điển hình như sốt nhẹ, giảm ăn và mệt mõi, dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng bệnh lý khác của lợn.
Phát hiện virus ASF bằng phương pháp PCR/qPCR
ASF là bệnh có khả năng gây tử vong ở hầu hết các lợn bị nhiễm bệnh. Sự lây lan liên tục từ châu Phi đến châu Âu và gần đây lây lan sang các quốc gia sản xuất lợn lớn như Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác (trong đó có Việt Nam). Điều này đe dọa đến an ninh lương thực thách thức sinh kế của người chăn nuôi lợn, làm mất chuỗi cung cấp lợn, chi phí kiểm soát dịch bệnh.
ASF có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa các động vật bị lây nhiễm và qua việc ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh và các vật liệu bị ô nhiễm khác. Các vật trung gian như quần áo, xe tải vận chuyển hoặc thức ăn chăn nuôi có thể đóng vai trò là nguồn lây nhiễm.
ASF được chứng minh là tồn tại trong thịt từ những con lợn bị nhiễm bệnh khi được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 4oC trong vài tháng. Trong mỡ da có thể tồn tại lên đến 300 ngày, trong thịt muối khô có thể tồn tại tối đa 120 ngày, trong giăm bông nước muối có thể lên đến 180 ngày. Ở nhiệt độ 4oC, virus tồn tại hơn 1 năm trong máu, trong thịt có thể tồn tại vài tháng và có thể tồn tại vài năm trong xác đông lạnh. Với số liệu này thì thật dễ hiểu tại sao và bằng cách nào thịt và các sản phẩm từ thịt bị nhiễm virus đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây lan virus. Vì vậy cần giám sát để phát hiện sớm các đợt dịch, kiểm soát và ứng phó với dịch một cách nhanh chóng và hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Giám sát tích cực trong ngành chăn nuôi trong nước bao gồm chẩn đoán xét nghiệm đối với lợn sống hoặc lợn chết để tìm sự hiện diện của virus sớm nhất. Vì vậy xét nghiệm thường quy có thể có thể trở thành một phần của giám sát. Xét nghiệm PCR xác định virus gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang là phương pháp nhanh và chính xác nhất để phát hiện sớm virus ASFV, giảm thiểu tổn thất cho người chăn nuôi.
Ảnh phân bố không gian của các đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF) được báo cáo ở lợn nhà và các trường hợp ở lợn rừng vào năm 2018 và 2019 tại Châu Âu và Đông Á, trên bản đồ raster về mật độ lợn. Cả hai bản đồ đều được hiển thị ở cùng độ phân giải.
II. Phát hiện virus ASF bằng phương pháp PCR
Polymerase chain reaction (PCR): là một kỹ thuật trong phòng thí nghiệm để khuếch đại các đoạn DNA cụ thể cho nhiều ứng dụng trong phòng thí nghiệm và lâm sàng. PCR cho phép khuếch đại hàng tỷ lần các đoạn mục tiêu cụ thể. Phản ứng này trở thành công cụ cho việc phát hiện virus, vi khuẩn gây bệnh trên động vật. Vì vậy để phát hiện sớm virus ASF chúng ta sử dụng phương pháp PCR-ASF để xác định sớm nhất Virus ASFV.
Mẫu bệnh phẩm: Máu chống đông, lách, hạch bạch huyết, hạch amydal, thận, dịch nổi tế bào,…
Mẫu được bảo quản trong túi nilon hoặc lọ đựng bệnh phẩm vô trùng, tất cả được đặt trong thùng bảo ôn và vận chuyển trong điều kiện 2oC- 8oC.
Tách chiết DNA: sử dụng kit tách gồm 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1 (Lyse): dung dịch lysic làm mất ổn định các liên kết yếu tạo điều kiện cho nucleic acid có thể liên kết với màng silicat.
Giai đoạn 2 (Washing): loại bỏ các protein, polysaccharide và muối thừa.
Giai đoạn 3 (Elute): thu mẫu DNA.