Ngày đăng: 01/11/2022
1. VAI TRÒ CỦA KHOÁNG ĐỐI VỚI VẬT NUÔI
Chất khoáng tham gia vào cấu trúc bộ khung xương cơ thể, chúng duy trì áp suất thẩm thấu, cân bằng Acid-Kiềm trong và ngoài cơ thể. Chất khoáng còn tham gia cấu trúc Protein chức năng như: Hemoglobin, myoglobin, các enzyme, các hormon điều khiển các phản ứng sinh học luôn xảy ra trong cơ thể vật nuôi.
Chất khoáng được chia làm 2 loại: Khoáng đa lượng và khoáng vi lượng.
Khoáng đa lượng: Những khoáng chất có hàm lượng cao trong cơ thể, thường được tính bằng tỷ lệ %.
Khoáng vi lượng: chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng lại đóng góp vai trò quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển của cơ thể. Khoáng vi lượng thường được tính bằng mg/kg khẩu phần ăn hoặc ppm/kg.
a. Khoáng đa lượng
Canxi (Ca) và Photpho (P) là 2 nguyên tố khoáng đa lượng, nó có nhiều trong đá vôi, bột xương, rất ít trong thức ăn thực vật.
Ca và P giữ vai trò chính trong cấu tạo bộ xương và thực hiện nhiều chức năng sinh lý khác. Ca cùng P cấu tạo nên xương do vậy nó là chất vô cùng quan trọng, đặc biệt trong quá trình hình thành vỏ trứng trong gia cầm sinh sản, xương động vật đang tăng trưởng.
Ca
- Xúc tác chuyển hóa pro (trong cơ chế đông máu), nồng độ Ca trong máu duy trì ở mức ổn định sẽ giúp hình thành cục máu đông nhanh trong các tổn thương vật lý.
- Dẫn truyền xung động thần kinh, sự co cơ.
- Hoạt hóa enzyme tuyến tụy tiêu hóa lipit. Xúc tác cho enzyme trypsin tiêu hóa protein.
- Duy trì hệ đệm trong cơ thể.
Photpho
Photpho là thành phần của Photpholipid (thành phần cấu tạo nên màng tế bào), acid nucleotic trong cấu tạo ADN của tế bào.
Photpho còn có vai trò quan trọng trong chuỗi phản ứng tạo năng lượng và là thành phần trong hợp chất giàu năng lượng ATP.
Khi thiếu P trong khẩu phần ăn, gia súc giảm tính thèm ăn, ở gia cầm hiện tượng này quan sát thấy được sau vài ngày. Trâu, bò chăn thả trên bãi cỏ nghèo P thì tính thèm ăn giảm dẫn tới giảm trao đổi chất, cường độ sinh trưởng giảm.
Magie
Thiếu Mg trong khẩu phần dẫn tới gà bị kích thích thần kinh, rất dễ bị náo loạn và stress, nếu thiếu Mg trầm trọng làm gà chậm phát triển, nếu nặng có thể dẫn đến chết.
Gà đẻ nếu bị thiếu Mg làm sản lượng trứng tụt giảm rất nhanh, nếu nặng cũng dẫn tới tử vong, nếu gà giống bị thiếu Mg dẫn tới tỷ lệ ấp nở giảm.
b. Khoáng vi lượng
Kẽm (Zn) là một thành phần quan trọng của nhiều Enzyme chứa kim loại trong cơ thể động vật bao gồm synthetase và transferasea ADN và ARN các enzyme tiêu hoá và được liên kết với hoocmon insulin. Vì vậy chất này đóng vai trò quan trọng trong trao đổi chất của protein, carbohydrate và lipid. Kẽm có vai trò trong phát triển xương, duy trì sức sinh sản, chống sừng hóa, viêm loét da và rụng lông ở lợn.
Mangan (Mn)
Mangan là một nguyên tố khoáng có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của vật nuôi. Mn giúp phát triển xương, mau lành các vết thương do sự sản xuất collagen nhanh hơn.
Thiếu Mn xương chân và xương cánh của gia cầm bị ngắn lại, sự rối loạn này còn trầm trọng hơn nếu lượng Ca và P trong khẩu phần quá lớn. Đối với gà đẻ trứng giống và gà đẻ thương phẩm việc thiếu Mn dẫn tới hiện tượng giảm sản lượng trứng, giảm độ cứng của vỏ, các xương ức, chân bị biến dạng.
Coban (Co)
Coban là khoáng vi lượng và cũng là thành phần của Vitamin B12, có vai trò trong việc kích thích tạo máu, tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Coban trong thức ăn được vi khuẩn đường ruột sử dụng tổng hợp nên Vitamin B12.
Đồng (Cu)
Đồng cần để tổng hợp và kích hoạt một số enzyme oxy hóa cho trao đổi chất trong cơ thể. Đồng thời duy trì sắc tố da, lông, thớ thịt, duy trì hô hấp mô bào, kích thích sinh trưởng của vật nuôi.
2. TÁC HẠI CỦA THIẾU KHOÁNG CHẤT Ở VẬT NUÔI.
Khi thiếu hụt chất khoáng so với nhu cầu, vật nuôi bị ảnh hưởng xấu, trước tiên là sức khỏe sau đó là năng suất và phẩm chất chăn nuôi. Tùy theo từng loại chất khoáng thiếu hụt mà vật nuôi có những biểu hiện khác như:
- Đối với đực giống: Thiếu khoáng ảnh hưởng đến phẩm chất của tinh dịch. Bò đực nếu thiếu Mn thì mật độ và sức sống tinh trùng giảm, thiếu Zn thì sự sản sinh tinh trùng không bình thường lớn.
- Đối với gia súc mang thai: Chất khoáng đối với gia súc có chứa không kém gì protit. Trong đó Ca, P là hai yếu tố đa lượng rất cần thiết để tạo bộ xương của thai và duy trì sức khỏe của con mẹ. Loài nhai lại cần cung cấp P nhiều Ca. Trâu bò kém sinh sản do thiếu P là tình trạng khá phổ biến vì trong thức ăn thô xanh thường có nhiều Ca và thiếu P.
- Đối với động vật cho sữa: Những ngày đầu sau khi đẻ, heo và bò sữa cao sản thường phát sinh hiện tượng cân bằng âm về Ca, đó là biểu hiện của sự thiếu Ca trong cơ thể hay Ca cung cấp trong thức ăn không đủ theo nhu cầu. Trong khi đó, sản lượng sữa tiết ra rất lớn, lượng Ca trong sữa càng nhiều. Nếu Ca trong thức ăn không đủ, gia súc cái sẽ phải huy động Ca trong xương làm cho xương mềm, xốp, dễ gãy hoặc biến dạng, thậm chí vỡ xương chậu ở bò sữa cao sản (hiện tượng loãng xương do thiếu Ca) dẫn tới làm giảm sản lượng sữa, giảm sức khỏe gia súc cái.
- Đối với gia cầm đẻ trứng: Khoáng rất cần cho gia cầm đẻ nên nhu cầu thường rất cao. Canxi cao hơn 2-3 lần bình thường và nhu cầu tối thiểu là 3g/ngày để giúp cấu tạo nên vỏ trứng một cách tốt nhất.