Ngày đăng: 18/10/2021
1. Đặc điểm
- Bệnh do virus thuộc giống Aphthovirus, họ Picornavirus, nhóm ARN virus gây ra. Hiện nay, có 7 type virus gây bệnh lở mồm long móng gồm: O, A, C, SAT1, SAT2, SAT3, Asia 1 với các triệu chứng giống nhau nhưng không có miễn dịch chéo. Virus có 65 subtype: O (11), A (32), C (5), SAT1 (7), SAT2 (3), SAT3 (4), Asia1 (3). Trong đó, có 3 type gây bệnh chủ yếu trên trâu bò là: A, O, Asia 1, lợn mẫn cảm nhất với type O, ít mẫn cảm với type A và Asia 1. Trên dê, cừu chủ yếu bị type A, C nhưng bị nhẹ.
- Virus có sức đề kháng cao với điều kiện ngoại cảnh, có thể tồn tại trong sữa, các sản phẩm từ sữa, tủy xương, hạch lympho. Virus sống 3 tháng trong thịt đông lạnh và 2 tháng trong thịt hun khói, xúc xích,…
- Virus bị bất hoạt bởi ánh sáng và ở nhiệt độ >50ºC, các chất sát trùng thông thường như: Five-Iodine, Five-B.K.G hoặc Five-BGF đều diệt được virus lở mồm long móng.
2. Đường truyền lây
- Virus có trong nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch, sữa, dịch trong các mụn mủ ở chân, miệng, chất tiết ra từ miệng như rớt, dãi và khuếch tán trong không khí.
- Bệnh lây trực tiếp từ con vật khỏe sang con vật ốm, lây qua đường tiêu hóa, hô hấp do thức ăn, nước uống có nhiễm mầm bệnh hoặc do hít thở không khí có chứa mầm bệnh rồi xâm nhập qua niêm mạc mũi. Lây gián tiếp do người chăm sóc, phương tiện vận chuyển, chất thải chăn nuôi, bãi chăn thả và phế phụ phẩm của lò mổ…
3. Cơ chế gây bệnh
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus có tính hướng thượng bì và gây ra các mụn nước ở niêm mạc miệng, kẽ chân, vành móng, núm vú.
4. Triệu chứng
- Thời gian ủ bệnh 2-7 ngày.
- Sốt cao 40-41ºC, giảm ăn hoặc bỏ ăn, ủ rũ, trâu bò nằm nhiều, chân đau không đứng vững, đi lại khó khăn.
- Xuất hiện các mụn đỏ ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi. Sau đó các mụn này vỡ, loét ra làm cho trâu bò chảy nhiều dãi rớt, có bọt trắng như bọt xà phòng.
- Xuất hiện các mụn loét ở vùng da tiếp giáp với móng chân, bàn chân. Trường hợp bị nặng có thể làm bong móng chân, con vật đi lại khó khăn, không đi được phải quỳ gối đi.
- Trên núm vú có các mụn loét, làm cho vú nứt nẻ, chảy dịch, trâu bò không cho con bú. Có thể gây sảy thai ở gia súc mang thai.
Trâu bò chảy nhiều nước dãi
Sút móng trên heo
5. Bệnh tích
- Có nhiều mụn nước ở niêm mạc miệng, lợi, chân răng, rìa móng, kẽ móng, núm vú,…
- Cơ tim mềm nhão, có vết trắng xám hoặc vàng nhạt.
- Lách sưng đen.
6. Chẩn đoán
- Chẩn đoán lâm sàng thông qua các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh. Tuy nhiên để khẳng định chính xác nguyên nhân gây bệnh người chăn nuôi nên lấy mẫu của vật nghi mắc (tổ chức biểu mô của mụn nước chưa vỡ hoặc mới vỡ và dịch mụn nước, mẫu bệnh phẩm biểu mô tối thiểu là 2g, mẫu biểu mô và mụn nước để phát hiện kháng nguyên trong vòng 7 ngày khi phát hiện bệnh còn sau 7 ngày nên lấy mẫu huyết thanh để phát hiện kháng thể, máu được lấy vô trùng tối thiểu 3ml và để đông chắt lấy huyết thanh) gửi về đơn vị Chẩn đoán - xét nghiệm và chăm sóc sau bán hàng của công ty Fivevet để xét nghiệm, phát hiện sự có mặt của vi rút và định type virus LMLM bằng phương pháp PCR cho kết quả nhanh, chính xác.
7. Xử lý khi phát hiện bệnh
Bệnh lở mồm long móng do virus gây ra có tính chất lây lan nhanh, mạnh. Do đó phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học sau đây:
7.1. Đảm bảo an toàn sinh học khi dịch xảy ra
- Khi phát hiện thấy trâu bò mắc bệnh thực hiện việc nuôi nhốt, tuyệt đối không chăn thả để hạn chế phát tán mầm bệnh.
- Các chất bài tiết như phân, nước tiểu... phải được thu gom xử lý đúng phương pháp để khống chế mầm bệnh.
- Không chăn thả trâu bò trên đồng cỏ đã có trâu bò nghi nhiễm hoặc mắc bệnh.
- Sử dụng các chất sát trùng như: Five-Iodine, Five-B.K.G hoặc Five-BGF đều diệt được virus lở mồm long móng. Phun ngày một lần.
- Đối với các gia súc chết do bệnh lở mồm long móng phải tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định có hố chôn lấp và có biển cảnh báo.
- Không được bán chạy trâu bò đang nghi nhiễm bệnh hoặc đã mắc bệnh.
7.2. Hỗ trợ xử lý, điều trị bệnh
- Chăm sóc hộ lý: giữ chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, cho ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng, uống nước sạch
- Điều trị mụn loét: Sử dụng một số chất có tính axit như: Chanh chua, khế chua hoặc phèn chua rửa, chà sát vào vùng da chân giáp ranh với móng. Dùng bông, gạt tẩm nước chanh, khế để chà sát miệng, lưỡi cho các mụn, mủ bong tróc ra sau đó sử dụng sản phẩm Five-CTC Spray phun xịt vào vùng da có các mụn mủ lở loét chân để ức chế vi khuẩn, giữ cho vết thương luôn khô và vết thương nhanh lành.
Tiến hành bổ sung trợ sức, trợ lực, nâng cao sức đề kháng cho con vật. Đồng thời sử dụng kháng sinh, kháng viêm điều trị các bệnh kế phát bằng bộ sản phẩm Combo Cef-Ke-Sal. Tích hợp 1 mũi tiêm chứa đồng thời cả kháng sinh, kháng viêm, trợ lực: Five-Butasal, Five-Cefdium, Five-Ketofen. Hạn chế stress cho vật nuôi, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị.
Liệu trình điều trị từ 3-5 ngày.
8. Phòng bệnh
Định kỳ sử dụng vắc xin tiêm phòng cho trâu bò, 4 - 6 tháng nhắc lại một lần. Tiêm đủ 3 chủng gồm type A, O, Aisa 1 cho trâu bò.
Công ty Cổ phần Thuốc Thú Y Trung Ương 5