BỘ LỌC TÌM KIẾM Click xem bộ lọc
Theo danh mục

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG VẮC-XIN CHO VẬT NUÔI

Ngày đăng: 04/09/2019

 
Việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi là một trong những giải pháp tối ưu để bảo vệ đàn vật nuôi trước những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh do virus gây ra. Vậy làm thế nào để việc sử dụng vắc-xin đạt được hiệu quả cao nhất? Hãy tham khảo các nguyên tắc trong sử dụng vắc-xin sau đây.
 

* Nguyên tắc 1: Xây dựng lịch sử dụng vắc-xin/lịch tiêm phòng
Cần xây dựng một lịch vắc-xin chuẩn dựa trên các căn cứ sau:
- Đặc điểm của loại/giống gia súc, gia cầm:
Ví dụ: Trên gà, lịch sử dụng vắc-xin là khác nhau giữa các giống gà trắng, gà lông màu, gà đẻ trứng thương phẩm, gà đẻ trứng giống,… Việc xây dựng lịch phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng chăn nuôi của cơ sở.
- Dựa vào đặc điểm dịch tễ của vùng.
- Các bệnh cần được phòng theo quy định và bệnh đã có vắc-xin phòng.
 
* Nguyên tắc 2: Lựa chọn loại vắc-xin và nhà cung cấp
- Lựa chọn loại vắc-xin: Ở những nơi chưa có dịch, nên dùng vắc-xin chết (vắc-xin vô hoạt) phòng bệnh cho vật nuôi để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ở các vùng có ổ dịch cũ, có thể sử dụng cả vắc-xin sống (vắc-xin nhược độc) và vắc-xin chết (vắc-xin vô hoạt) để phòng bệnh hằng năm cho gia cho gia súc, gia cầm theo lịch đã xây dựng.
- Nhà cung cấp: Lựa chọn các công ty, hãng vắc-xin, cơ sở sản xuất có đủ năng lực sản xuất, áp dụng thực hành tốt sản xuất thuốc của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (GMP - ASEAN) hoặc thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP - WHO),... Đối với vắc-xin nhập ngoại, nên chọn các công ty, cơ sở nhập khẩu vắc-xin đã được cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định.
 
* Nguyên tắc 3: Bảo quản, vận chuyển vắc-xin
- Bảo quản: Đây là yếu tố rất quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vắc-xin. Điều kiện bảo quản vắc-xin tối ưu ở nhiệt độ 2-8 độ C. Nếu không đáp ứng đúng tiêu chuẩn nhiệt độ này đồng nghĩa với việc chất lượng vắc-xin đã bị ảnh hưởng và kết quả sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi sẽ không cao.


                                                                               
                                       Bảo quản vắc-xin trong thùng bảo ôn                                                            Bảo quản vắc-xin trong thùng xốp 
 
- Vận chuyển: Khi vận chuyển vắc-xin cần lưu ý đóng gói vắc-xin thật kỹ, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Tốt nhất dùng thùng bảo ôn, thùng xốp hoặc túi bảo quản lạnh; Nếu vận chuyển gần có thể dùng túi màu đen kèm theo đá lạnh để đảm bảo nhiệt độ thích hợp giúp ổn định chất lượng vắc-xin.
 
* Nguyên tắc 4: Thao tác thực hiện việc làm vắc-xin
- Thời điểm làm vắc-xin: Nên làm vắc-xin lúc thời tiết mát (sáng sớm, chiều mát). Nhiệt độ môi trường thích hợp nhất là từ 25-28 độ C để giảm thiểu những tác động bất lợi do yếu tố môi trường gây stress, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe đàn vật nuôi.
- Kiểm tra tình trạng sức khỏe của vật nuôi: Chỉ làm vắc-xin cho những đàn vật nuôi hoàn toàn khỏe mạnh không có dấu hiệu bất thường hoặc đang bị bệnh.


  Kiểm tra sức khỏe gà trước khi làm vắc-xin 
 
- Kiểm tra vắc-xin trước khi dùng: Cần kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn bao gồm: Tên vắc-xin, số lô, số liều sử dụng, ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng, hướng dẫn sử dụng và thời hạn sử dụng của sản phẩm.
 

Kiểm tra thông tin vắc-xin
 
+ Kiểm tra bên ngoài lọ: Nút chặt hay lỏng, nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp sáp phủ bên ngoài, lọ thủy tinh có bị rạn nứt không?
+ Kiểm tra thành phẩm bên trong: Màu sắc, kết cấu, độ vón, vật thể lạ, khi lắc lọ vắc-xin có tạo thành dung dịch đồng nhất hay không? Nếu vẫn chia làm hai lớp tức là vắc-xin đã bị hư hỏng, không nên sử dụng.
- Dụng cụ tiêm phòng: Dụng cụ tiêm vắc-xin như xi lanh, bơm kim tiêm phải được tiệt trùng bằng hấp, sấy,... (Lưu ý: Không dùng cồn để sát trùng bơm kim tiêm khi tiêm vắc-xin)
- Khi làm vắc-xin: Dùng đúng liều, tiêm đúng vị trí nhà sản xuất khuyến cáo. Trong quá trình tiêm cần thường xuyên lắc đều lọ vắc-xin. Vắc-xin đã pha nên dùng ngay và tốt nhất trong 1,5 giờ. Trường hợp vắc-xin sử dụng không hết phải tiêu hủy theo phương pháp của cơ quan quản lý nhà nước đã quy định.


Tiêm vắc-xin đúng vị trí và đúng liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất
 
- Theo dõi sức khỏe vật nuôi sau khi tiêm vắc-xin:
Sau khi tiêm vắc-xin cần theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe và biểu hiện của đàn vật nuôi:
+ Trường hợp có phản ứng cục bộ tại vị trí tiêm như: Sưng, nóng, đau cần theo dõi sát. Khi có phản ứng cục bộ, cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm.
+ Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây áp xe, mủ sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, tiêu viêm.
Ngoài ra, tiêm vắc-xin còn có thể gây phản ứng dị ứng, vật nuôi có biểu hiện: Sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẩn trên mặt da (thường gặp ở lợn, trâu, bò). Nếu phản ứng nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, nếu phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc kháng Histamin như: Dimedrol, Phenergan và một số thuốc khác như Ephedrine hoặc
 Adrenaline. 
 
Lưu ý: Vào những ngày làm vắc-xin, nên sử dụng các sản phẩm điện giải, vitamin, giải độc gan thận hoặc các chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa như Five-Mix Lyte, Five-Bogama, Hado-Mebitol, Five-Masol, Five-Enzym, Five-Vitamin C,… pha vào nước uống hoặc trộn thức ăn cho vật nuôi. Đặc biệt, nếu sử dụng các sản phẩm ở trước, trong và sau ngày làm vắc-xin, đàn vật nuôi sẽ có được sức khỏe tốt nhất, đảm bảo cho việc sử dụng vắc-xin thêm an toàn và hiệu quả!

Phòng NCPT - Công ty CP Thuốc thú y Trung ương 5
Chia sẻ :
Ý KIẾN PHẢN HỒI

BÀI VIẾT LIÊN QUAN